CÔNG TY LUẬT GIA KHANG Thành lập công ty - Dịch vụ kế toán - Tư vấn thuế

Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là gì? Điều kiện, thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ

Hầu hết các công ty tham gia hoạt động xây dựng cần phải đăng ký chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Vậy, chứng chỉ này là gì? Điều kiện đáp ứng, hồ sơ và quy trình đăng ký cấp chứng chỉ như thế nào? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời chính xác nhất. Hãy theo dõi ngay bạn nhé!

1. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là gì?

Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (gọi tắt là chứng chỉ năng lực) là chứng chỉ được Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp (tùy theo chứng chỉ năng lực hạng I hay hạng II, hạng III) đối với tổ chức tham gia hoạt động xây dựng thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo khoản 1 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:

- Khảo sát xây dựng;

- Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;

- Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;

- Tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Thi công xây dựng công trình;

- Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình;

- Kiểm định xây dựng;

- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

đăng ký năng lực xây dựng

Đồng thời, khoản 4 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP cũng quy định rằng tổ chức tham gia hoạt động xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc tổ chức có chức năng tham gia hoạt động xây dựng được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề phù hợp và đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này.

2. Trường hợp không yêu cầu chứng chỉ năng lực

Căn cứ vào khoản 3 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Nghị định này khi tham gia các công việc sau:

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (trừ thực hiện tư vấn quản lý dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 22 Nghị định này; Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án theo quy định tại Điều 23 Nghị định này;

- Thiết kế, giám sát, thi công về phòng cháy chữa cháy theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;

- Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

- Thi công công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;

- Tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này;

- Thực hiện các hoạt động xây dựng của tổ chức nước ngoài theo giấy phép hoạt động xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014.

3. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Tại khoản 1 Điều 87 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định này;

- Quyết định thành lập tổ chức trong trường hợp có quyết định thành lập;

- Quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện công việc thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng với phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát địa chất công trình);

- Chứng chỉ hành nghề kèm theo bản kê khai và tự xác định hạng chứng chỉ theo Mẫu số 05 Phụ lục IV Nghị định này hoặc kê khai mã số chứng chỉ hành nghề trong trường hợp đã được cấp chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 của các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; các văn bằng được đào tạo của cá nhân tham gia thực hiện công việc;

- Chứng chỉ năng lực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

- Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu công việc đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức khảo sát xây dựng, lập thiết kế quy hoạch xây dựng, thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng hạng I, hạng II);

- Hợp đồng; Biên bản nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng hoặc bộ phận công trình (trong trường hợp thi công công tác xây dựng chuyên biệt) đã thực hiện theo nội dung kê khai (đối với tổ chức thi công xây dựng hạng I, hạng II);

- Các tài liệu theo quy định tại khoản này phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý.

cấp chứng chỉ năng lực xây dựng

4. Trình tự thủ tục đăng ký chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Căn cứ khoản 1 Điều 90 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định trình tự cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

- Tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo quy định tại Điều 87 Nghị định này qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực;

- Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực có trách nhiệm cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ năng lực lần đầu, điều chỉnh hạng, điều chỉnh, bổ sung chứng chỉ năng lực; 10 ngày đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ năng lực. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực phải thông báo một lần bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

5. Thời hạn của chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

Theo khoản 5 Điều 83 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như sau:

“Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 10 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ. Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.”

Gợi ý cho bạn:

Trên đây là những thông tin xoay quanh chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mà bạn cần biết. Cảm ơn bạn vì đã theo dõi hết bài viết này và nhớ đón theo dõi những bài viết sau của Luật Gia Khang chia sẻ về các loại giấy phép, chứng chỉ bạn nhé!

Bình luận của bạn

Hotline
Hotline:
chat zaloChat với chúng tôi qua zalo
top